Vòng 1 giải Bóng chuyền vô địch quốc gia kết thúc hôm qua tại Thái Nguyên (bảng A) và Hà Nội (bảng B) để lại nhiều nỗi lo về tuyển nam trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 26 (tháng 11 tại Indonesia).
Theo đánh giá của các HLV có mặt tại giải, hơn 100 tay đập, phụ công, chuyền 2, libero đến từ 12 đội nam vẫn không có nhân tố nào nổi trội. Những tên tuổi quen thuộc như Ngô Văn Kiều (Sanest Khánh Hòa), Nguyễn Hữu Hà (Đức Long Quân khu 5), Lê Quang Khánh (Long An), Giang Văn Đức (Tràng An Ninh Bình)... vẫn tiếp tục tỏa sáng. Trong khi đó “tìm đỏ mắt” cũng không thấy được tay đập trẻ nào thi đấu ấn tượng. Niềm an ủi nhỏ là Thể Công trong quá trình trẻ hóa lực lượng đang sở hữu hai tay đập chơi khá ăn ý là Hoàng Văn Phương (2) và Phạm Thái Hưng (9) cũng như một niềm hy vọng cho tương lai là Nguyễn Duy Khánh.
Bấy nhiêu rõ ràng là quá ít so với tầm cỡ một giải vô địch. Điều đó cho thấy một phần công tác đào tạo của nhiều CLB còn quá kém, chưa có những nỗ lực tìm kiếm phát hiện nhân tài, mặt khác cũng chưa có một sự đầu tư nào của Tổng cục Thể dục thể thao cũng như Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) VN trong việc nâng cấp trình độ giải đấu. Cứ đến hẹn lại lên, các đội vẫn chơi như kiểu phong trào, được chăng hay chớ. Chẳng hạn như quy định cho phép các đội hạng mạnh tăng cường cầu thủ cho hạng dưới, nghĩa là thi đấu 2 hạng trong cùng một mùa, là cách làm không giống ai làm kéo lùi trình độ sân chơi hạng A. Vì như thế các CLB chỉ cần chạy theo thành tích, đánh bóng thương hiệu bằng việc thuê mượn VĐV mà không cần chú trọng đào tạo.
Ngoài ra, cách điều hành của LĐBC VN, BTC cũng bộc lộ nhiều bất cập và thiếu chuyên nghiệp. Đó là trường hợp của cầu thủ Hoàng Văn Phương (đội Thể Công) có những lời lẽ mạt sát trọng tài và hành vi thiếu văn hóa trong trận thua Tập đoàn Dầu khí VN, đã được giám sát trận đấu nhìn nhận là không thể chấp nhận đối với một VĐV và nhất là tuyển thủ quốc gia, cần phải xử nghiêm làm gương. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một án kỷ luật nào được đưa ra, dù băng hình của VTC3, Thể thao TV đã ghi rõ từng lời lẽ, cử chỉ phi thể thao của VĐV này. Với sự dung túng như vậy thử hỏi làm sao bóng chuyền VN ngăn được tình hình ngày càng xuống cấp trầm trọng về đạo đức.
Điều làm những người quan tâm đến bóng chuyền VN lo ngại hơn cả chính là công tác tuyển chọn VĐV, HLV cho tuyển quốc gia.
Ngay từ đầu năm, LĐBC VN đã lên kế hoạch thuê HLV ngoại cho tuyển nam. Không tốn nhiều thời gian, HLV Augusto Sabbatini (Brazil) vốn được đánh giá có chuyên môn tốt đã nhận lời dẫn dắt tuyển nam với mục tiêu đoạt huy chương ở SEA Games 26 năm nay. Điều khiến mọi người hoàn toàn bất ngờ là trong những ngày diễn ra giải người ta không hề thấy bóng dáng vị HLV Augusto Sabbatini ở đâu. Bởi lẽ trong vai trò HLV, điều đầu tiên mà vị HLV này làm chắc chắn là phải theo dõi các VĐV thi đấu để đề xuất tuyển chọn vào đội tuyển. Đem chuyện này hỏi một quan chức của LĐBC VN, ông này giải thích: “Liên đoàn đã làm việc, thậm chí mua vé máy bay để ông Augusto Sabbatini sang Việt Nam theo dõi vòng 1 Giải vô địch quốc gia để tuyển quân. Sau đó vị HLV này xin lùi thời gian sang VN đến tháng 5 vì bận công việc riêng, nên chúng tôi đành… chịu”. Rõ ràng những người làm công tác quản lý bóng chuyền đã không chủ động trong việc thuê HLV cũng như tuyển chọn VĐV. Từ đó người ta lại nghi ngại về mục tiêu đoạt huy chương ở khu vực Đông Nam Á của đội tuyển nam.
2 năm trước tuyển nam gây thất vọng khi chỉ đoạt hạng 4. Lúc đó, những người làm công tác chuyên môn đã thừa nhận thất bại này do sự yếu kém của các HLV. Không có nhân tố mới lại chuẩn bị không chu đáo, bóng chuyền VN khó mơ tới thành tích cao hơn so với SEA Games 25 (2009 tại Lào).
Nguồn: Hoàng Quỳnh - Đăng Khoa - Thanh Niên Online »